← Back Published on

Kỉ Niệm 72H Bóc Lột "Đen" Tối

Cách đây không lâu, sự kiện thể thao nổi tiếng thường niên của Mỹ “Superbowl Halftime show” vừa vấp phải một làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng dancer bản địa, đặc biệt là những người da màu. Chương trình năm nay được đầu tư chỉn chu với dàn khách mời cực khủng trong Hip Hop như Snoop Dogg, Dr. Dre, Eminem, Mary J. Blige và Kendrick Lamar. Chỉ với năm cái tên này thôi đã đủ khiến không chỉ người hâm mộ bóng bầu dục Mỹ, mà kể cả những người yêu âm nhạc, Hip Hop quan tâm đến sự kiện năm nay. Còn đối với dancer, đây chắc chắn là một cơ hội họ không thể bỏ qua khi được biểu diễn, đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ hàng đầu của văn hoá Hip Hop. Tuy nhiên giấc mơ đó đã nhanh chóng bị dập tắt. Chỉ vài ngày sau khi đoạn quảng cáo Pepsi đăng tải trên Youtube, mặc dù thu hút được 9 triệu lượt xem trong vòng chưa tới một tuần, nhiều cá nhân đã lên tiếng về việc ban tổ chức có những quy định, điều khoản oái oăm hướng về những dancer. Theo Taja Riley, một nhân vật gạo cội trong ngành biểu diễn cũng tham gia Super Bowl năm nay, chỉ có một số lượng vũ công nhất định tham gia tuyển chọn, những cá nhân trúng tuyển sẽ được cử làm “trưởng nhóm”. “Trưởng nhóm” ngoài công việc biên đạo, quản lý nhân sự, họ còn được ban tổ chức giao một nhiệm vụ “cao cả” khác, đó là hỏi han những người xung quanh xem có ai muốn tham gia làm tình nguyện viên không. Theo chia sẻ của người quản lý tuyển trạch Kristen Terry, cơ hội làm việc chung với những ngôi sao tầm cỡ là vô cùng hiếm có, vì vậy các bạn nên nắm bắt cơ hội này để học hỏi. Đi kèm với lời bình luận này, phía BTC cùng bà Terry còn gửi kèm một bản thoả thuận bảo mật thông tin yêu cầu những tình nguyện viên không được tiết lộ bí mật ra ngoài. Nhưng “giấu đầu thì lòi đuôi”, những đòi hỏi quá quắt từ phía sản xuất chương trình khiến người nhận việc cảm thấy bức xúc. “Chương trình triệu đô” không những không trả lương cho tình nguyện viên, mà còn bắt hơn 400 người này tự túc phần di chuyển. Mặc dù bà Terry đã giải thích rằng “Superbowl” cũng có sức ảnh hưởng không kém gì lễ hội âm nhạc Coachella hay sự kiện Olympic, và việc tuyển tình nguyện viên cũng là một hoạt động thường niên của sự kiện này; đại đa số không tình với tư tưởng bóc lột này vì nó đã quá lỗi thời. Ai cũng biết rằng cho dù nghệ sĩ có “cháy” đến đâu đi chăng nữa, sự thiếu vắng vũ đạo hỗ trợ sẽ làm phần trình diễn trở nên “nguội lạnh”. Quan trọng hơn, trong phát ngôn của một người thuộc ban tổ chức, họ mong muốn những người tình nguyện viên là những người da màu thích chuyển động, không phải biết nhảy. Mặc dù không nằm trên giấy trắng mực đen nhưng những lời lẽ đó đã được lan truyền rất nhanh, truyền miệng cũng như trên mạng xã hội, và trong một thời kì người da màu đang bị đàn áp về tinh thần, việc bóc lột là không thể chấp nhận. Chuyện một người da màu “biết chuyển động” là điều đương nhiên vì họ vốn sinh ra để nhảy, như đã được chứng minh xuyên suốt lịch sử nước Mỹ. Sự ức chế còn chưa dừng lại ở đó khi mặc dù tình nguyện “không yêu cầu phải nhảy”, nhưng vẫn bị yêu cầu tham gia 72 giờ duyệt chương trình, kéo dài trong 9 ngày. Biện minh cho sự vô lý này Kristen Terry tin rằng đây là thời gian để 400 tình nguyện viên nắm bắt sân khấu, đường dây, máy quay để tránh tai nạn, rủi ro trong khi biểu diễn. Với một nhóm người không được trả công, có nhiệm vụ khuấy động, tiếp lửa cho các dancer, việc phải tham gia duyệt 72 tiếng trong 9 ngày liên tục là một điều rất đỗi vô lý. Và mọi ý nghĩa tôn vinh người da màu, đều bị “đạp đổ” bởi những quyết định ngớ ngẩn từ phía ban tổ chức đối với chính người da màu, trong chính Tháng Lịch Sử Đen. Mặc dù bị đòi hỏi rất nhiều từ chương trình, nhưng chỉ cho đến khi những người có tiếng nói trong cộng đồng lên tiếng, phần còn lại mới dám đứng dậy, vì bản thân họ sợ sự thấp cổ bé họng của mình sẽ bị liệt vào danh sách đen cũng những nhà tuyển dụng.

Sự kiện trên chứng minh rằng ở bất cứ đâu cũng có thể diễn ra sự bóc lột chèn ép, cho dù đó là cái nôi của văn hoá, và những người đi trước, đàn anh đàn chị cần phải lên tiếng thường xuyên hơn để không chỉ bảo vệ những người trẻ, mà còn bảo vệ “cái cần câu” của bản thân. Vì vậy, cho dù là 1 hay 400 người, ở Mỹ hay Việt Nam, người làm nghệ thuật cần được trả công xứng đáng với những gì họ bỏ ra. Còn các nghệ sĩ hay tự tin vào giá trị của mình, tiếp tục nâng cấp bản thân để những đơn vị tuyển trạch không thể “đánh tráo khái niệm” với chúng ta nữa.